Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực dược chất lượng cao cho xã hội

GĐXH – Chiến lược quốc gia phát triển ngành Việt Nam giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 sẽ mang tính đột phá để phát triển ngành Dược. Trong đó, từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời thuốc…” và “bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc…”.

Đây là chủ đề được bàn luận trong Hội thảo khoa học “Ngành Dược – Đổi mới để vươn xa”, một trong những hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng của trường đã chia sẻ những định hướng phát triển trường và Khoa Dược trong thời gian sắp tới. 

Theo đó, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2025 – 2030 Khoa hướng tới đào tạo nguồn nhân lực dược chất lượng cao cho xã hội, nỗ lực đến năm 2030 nằm trong Top 10 các chương trình đào tạo Dược sĩ uy tín ở Việt Nam. Đồng thời, đưa ra quan điểm đổi mới chương trình đào tạo (CTĐT) như tăng cường thực hành trải nghiệm nhà thuốc, bệnh viện; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá và chuyển đổi CTĐT Đại học – Thạc sĩ dành cho những bạn sinh viên giỏi phát triển bản thân trong ngành Dược.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, ngành Dược cũng cần phải thay đổi để bắt kịp các xu hướng công nghệ mới. Nắm bắt được yêu cầu đó, trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm, Khoa Dược tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ngành dược – Đổi mới để vươn xa”. Hội thảo không chỉ là một diễn đàn trao đổi học thuật mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cùng nhau xây dựng, phát triển ngành Dược nước nhà vươn tầm quốc tế.

Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực dược chất lượng cao cho xã hội

 - Ảnh 1.

Ông Tạ Mạnh Hùng – Phó cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế chia sẻ về Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng – Phó cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã chia sẻ về những nội dung đổi mới trong Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, ông đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng ngành Dược thông qua việc tổng kết 09 năm thực hiện Chiến lược 68 – Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, đề ra chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 (Quyết định số 1165/QĐ-TTg do Chính phủ phê duyệt ngày 09/10/2023).

Trong đó, Chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành Dược trong giai đoạn tới, như nâng cao quan điểm về cung ứng thuốc, từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời thuốc…” và “bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc…”.

Đồng thời, nâng cao vai trò của ngành Dược, không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần cung cấp sản phẩm dược, mà còn tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như trong các cơ sở y tế.

Cùng với đó, phát triển công nghiệp dược Việt Nam đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số, thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược…

Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực dược chất lượng cao cho xã hội

 - Ảnh 2.

Các chuyên gia trao đổi về đào tạo dược sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội tại hội thảo

Trao đổi về phát triển công nghiệp hóa dược, ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về dược liệu.

Tuy nhiên, tỷ lệ dược liệu được sử dụng để sản xuất thuốc rất thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành hóa dược chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị sản xuất của ngành Dược nói riêng, trong toàn ngành công nghiệp nói chung…

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên và đưa ra một số giải pháp hướng tới mục tiêu sản xuất thuốc tại chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam. Theo đó, năm 2030 tiếp tục phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; năm 2045, chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vắc xin… đặc biệt có thuốc thuốc biệt dược gốc từ nguồn nguyên liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền.

Ngoài ra, chương trình còn dành nhiều thời gian để thảo thảo luận về chủ đề “Đổi mới đào tạo Dược sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội”, quy tụ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau của ngành Dược. Tại đây, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về những điều mà các cơ sở giáo dục ngành dược nên làm để cụ thể hóa chiến lược phát triển gắn với định hướng chung của ngành.

PV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *