Rất nhiều người lo lắng về chuyện nếu không may bị tiểu đường thai kì thì đường sẽ truyền sang con qua nhau thai và thai nhi cũng bị tiểu đường. Sự thật thế nào?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Thế nhưng, rất nhiều người lo lắng về chuyện nếu không may bị tiểu đường thai kì thì đường sẽ truyền sang con qua nhau thai và thai nhi cũng bị tiểu đường. Sự thật thế nào?
Mẹ bị tiểu đường thai kì thì đường có truyền qua nhau thai và lây bệnh sang con không?
Trả lời vấn đề này, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng – BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ như sau:
Đái tháo đường thai kì là một yếu tố mà khi người phụ nữ mang thai có đường huyết tăng cao. Đây là một bệnh không lây nhiễm chứ không phải người mẹ bị đái tháo đường thì con cũng bị do đường chạy qua nhau thai sang con.
Yếu tố “di truyền” ở đây có nghĩa là những người con có mẹ bị mắc tiểu đường thai kì thì có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn khi trưởng thành.
Mặc dù tiểu đường không phải là bệnh lây truyền từ mẹ sang con qua máu hay nhau thai nhưng có hai lưu ý mà người mẹ bị tiểu đường cần chú ý:
Thứ nhất, đường huyết cao trong thai kỳ có thể khiến em bé phát triển quá mức hoặc có dị tật. Vì vậy trước khi mang thai và trong khi mang thai, bạn đều cần kiểm soát tốt đường huyết.
Thứ 2, mặc dù không lây lan nhưng bệnh tiểu đường có thể di truyền. Mẹ bị bệnh tiểu đường khi sinh con thì con sẽ có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này rơi vào khoảng 4% với tiểu đường type 1 và 30% với tiểu đường type 2.