GĐXH – Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ và người lớn có thể tự khỏi trong vài ngày hoặc lâu nhất là hai tuần nếu người bệnh kịp thời thăm khám và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng đau mắt đỏ kéo dài khiến không ít người lo lắng.
Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát tại Hà Nội, kéo dài lâu hơn so với các năm trước, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần do thời điểm bùng dịch trùng với thời điểm trẻ đi học, tăng khả năng tiếp xúc gần, làm dịch bệnh lây lan mạnh.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương vào cuối tháng 9, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ. Con số này chiếm hơn 50% số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, tăng gấp gần hai lần so với thời điểm tháng 6, tháng 7. Trong đó, không ít bệnh nhân đau mắt đỏ phải đối mặt với tình trạng biến chứng mờ mắt kéo dài.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh (Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, số ca đau mắt đỏ tăng đột biến khoảng một tháng nay, chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi). Có gia đình có bốn, năm người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi về nhà lây cho người thân.
Đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng húp và rủ xuống. Mắt bị viêm có chất lỏng chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi hoặc mí mặt.
Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.
Dịch đau mắt đỏ rất dễ lây lan trong trường học do các em tiếp xúc gần. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Nhiễm khuẩn: Một số vi khuẩn phổ biến gây viêm kết mạc, bao gồm: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia và Pseudomonas aeruginosa.
Nhiễm virus: Virus là nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ. Hầu hết bệnh do adenovirus gây ra. Ngoài ra, bệnh do một số virus khác gây ra chẳng hạn như các loại virus Corona, simplex virus và varicella-zoster virus.
Dị ứng: Xảy ra do nấm mốc, phấn hoa hoặc các chất khác khiến người bệnh dị ứng. Lúc này, cơ thể tạo ra kháng thể immunoglobulin E kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường thở giải phóng các chất gây viêm, bao gồm histamine. Khi cơ thể giải phóng histamine sẽ xuất hiện một số triệu chứng dị ứng như đau mắt đỏ.
Hóa chất bắn vào mắt: Bệnh có thể do dầu gội, mỹ phẩm, khói hoặc chất clo trong hồ bơi tác động hoặc bắn vào mắt và gây đỏ. Hơn nữa, việc vệ sinh mắt để rửa sạch hoạt chất có thể khiến mắt đỏ và kích ứng.
Dị vật trong mắt: Đôi khi người bệnh viêm kết mạc do bụi bẩn vướng trong mắt gây ra trong sinh hoạt hàng ngày.
Dùng kính áp tròng: Nếu vệ sinh kính áp tròng không đúng cách đây có thể là nguồn lây bệnh vì tiếp xúc trực tiếp với mắt. Với người bệnh đau mắt đỏ, đeo kính áp tròng thường xuyên sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng ở mắt trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể gây hỏng mắt.
Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ khác: Bàn tay có thể ẩn chứa các tác nhân gây đau mắt đỏ. Vì vậy, hãy rửa tay sạch sẽ và tuyệt đối không được chạm vào mắt nếu chưa vệ sinh tay.
Phân loại đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ do virus
Các loại virus gây bệnh đau mắt đỏ bao gồm: virus Adeno, Entero, ít phổ biến hơn là do virus Herpes simplex hoặc virus Zoster… Hầu hết, các trường hợp đau mắt đỏ do virus đều nhẹ. Bệnh tự hết sau 7-14 ngày mà không cần điều trị, cũng ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đau mắt đỏ do virus có thể kéo dài từ 2-3 tuần mới khỏi.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra có các loại bao gồm: liên cầu (Streptococcus Pyogene), vi khuẩn bạch hầu (C. Diphtheria), vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), phế cầu, hiếm gặp do não cầu (Neisseria Meningitidis)…
Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể thuyên giảm mà không cần điều trị bằng kháng sinh và ít gây ra biến chứng. Tuy nhiên với trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ đau mắt đỏ hoặc thuốc mỡ.
Đau mắt đỏ do dị ứng
Đau mắt đỏ do các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, thời tiết… Bệnh gây ngứa mắt nhiều, có thể kèm theo sốt cỏ khô, chàm, ngứa da… Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng thường cải thiện bằng cách loại bỏ hoặc tránh xa các chất gây dị ứng khỏi môi trường sống của người bệnh.
Con đường lây bệnh mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ lây lan qua:
Tiếp xúc gần như bắt tay, chạm với người bị nhậm mắt (đau mắt đỏ). Khi đó, virus và vi khuẩn di chuyển từ tay người bệnh sang tay bạn và chạm vào mắt.
Việc chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn hoặc virus sau đó chạm vào mắt.
Dùng đồ trang điểm mắt cũ hoặc dùng chung đồ trang điểm nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Quan hệ tình dục, bệnh đau mắt đỏ do bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) lây lan khi bạn chạm vào tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm trùng và sau đó chạm vào mắt.
Dấu hiệu đau mắt đỏ
Đỏ mắt: Đây là triệu chứng đau mắt đỏ điển hình. Bệnh nếu được điều trị kịp thời sẽ ít gây biến chứng nghiêm trọng làm tổn thương mắt hay ảnh hưởng đến thị lực.
Ngứa hoặc cộm ở mắt: Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, nóng rát hoặc khó chịu ở mắt như có vật gì kẹt bên trong mắt. Các triệu chứng bắt đầu ở một mắt và vài ngày sau sẽ lan sang mắt còn lại.
Tiết nhiều dịch ở mắt: Nước mắt chảy nhiều thường thấy ở người bị đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng. Đau mắt đỏ do vi khuẩn sẽ tiết dịch mủ màu vàng xanh.
Nhạy cảm với ánh sáng: Người bệnh có thể nhạy cảm nhẹ với ánh sáng. Hơn nữa, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng như đau mắt dữ dội, suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng… có thể do nhiễm trùng nặng, lan ra ngoài kết mạc và viêm bên trong mắt. Nếu người bệnh thấy xuất hiện những triệu chứng này, hãy gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
Đóng màng, ghèn sau khi thức dậy: Mắt tiết dịch và tích tụ lúc ngủ khiến hai mí dính nhau khi thức dậy.
Chảy nước mắt: Người bệnh thường chảy nhiều nước mắt hơn nếu đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng.
Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra.
Biến chứng của đau mắt đỏ
PGS.TS Lê Xuân Cung (Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Đau mắt đỏ nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
“Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt.
Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng hẹn hoặc đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường”, PGS.TS Lê Xuân Cung khuyến cáo.
Vì vậy, người bệnh hãy đến bác sĩ chuyên khoa Mắt ngay khi có dấu hiệu đau mắt đỏ hoặc các triệu chứng bất thường khác như mắt bị đỏ, đau, nhức, cộm,… để được chẩn đoán sớm và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định hạn chế tình trạng lây bệnh.
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Hầu hết, các trường hợp bị đau mắt đỏ sẽ hết trong vòng vài ngày đến 2 tuần. Đau mắt đỏ do virus thường khỏi bệnh trong vòng 1-2 tuần, có thể kéo dài tới 3 tuần. Đau mắt đỏ do vi khuẩn ngay cả khi không điều trị, các triệu chứng có thể cải thiện trong vòng 1 tuần. Những trường hợp nặng có thể mất tới 2 tuần.
Đau mắt đỏ do dị ứng thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào thời gian người bệnh tiếp xúc với chất gây dị ứng trong bao lâu. Sau khi loại bỏ các chất gây dị ứng, các triệu chứng đau mắt đỏ có thể hết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, việc xác định chất gây dị ứng tương đối khó khăn như phấn hoa theo mùa, thời tiết, lông thú cưng…
Thông thường đau mắt đỏ ở trẻ em sẽ diễn ra lâu hơn ở người lớn vì đề kháng của các bé yếu hơn.
Cách chữa đau mắt đỏ
Theo ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) có 4 cách chữa đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả, trị hết đau nhanh chóng.
Thuốc nhỏ mắt
Dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ.
Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, đồng thời rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.
Chườm ấm
Đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, bằng cách:
– Ngâm khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô.
– Đắp miếng vải ẩm lên mắt và để nguyên cho đến khi nguội.
– Lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày và thường xuyên nếu thấy triệu chứng cải thiện.
– Sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm.
– Sử dụng khăn lau khác nhau cho mỗi mắt trong trường hợp bị đau mắt đỏ ở cả 2 mắt.
Chườm lạnh
Trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Hãy dùng khăn sạch ngâm nước lạnh đã vắt khô đắp lên mắt giúp làm dịu, giảm sưng. Người bệnh lặp lại nhiều lần trong ngày.
Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Thuốc giảm đau không kê đơn
Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể cải thiện tình trạng đau mắt đỏ nhưng không chữa khỏi bệnh.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm viêm. Ngoài ra, thuốc dị ứng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau mắt đỏ.
Khi nào người đau mắt đỏ cần gặp bác sĩ?
Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ chẳng hạn như dị vật mắc kẹt khiến mắt mờ và nhạy cảm với ánh sáng. Ngay khi gặp phải những triệu chứng này, người bệnh nên nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Với người đeo kính áp tròng nên tạm ngưng đeo kính ngay khi các triệu chứng đau mắt đỏ xuất hiện. Trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm trong 12 – 24 giờ, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm.
Các triệu chứng gồm:
– Khó khăn khi nhìn.
– Nhạy cảm với ánh sáng hoặc mắt mờ nhưng không cải thiện khi đã lau sạch chất dịch ở mắt.
– Triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần.
– Triệu chứng kéo dài hơn 24 giờ sau khi sử dụng thuốc: các triệu chứng nặng hoặc không cải thiện. Dấu hiệu này xảy ra ở trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn và không cải thiện sau 24 giờ sử dụng kháng sinh.
– Mắt có mủ hoặc chất nhầy.
– Sốt kèm đau nhức.
– Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ cần được khám ngay lập tức.
Vì sao tình trạng đau mắt đỏ phục hồi lâu hơn dự kiến?
Tình trạng đau mắt đỏ phục hồi lâu hơn dự kiến có thể do các yếu tố liên quan đến hệ thống miễn dịch, các chất gây kích thích, điều trị và chăm sóc mắt sai cách… Đau mắt đỏ bao nhiêu ngày thì khỏi điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Các yếu tố có thể làm kéo dài tình trạng đau mắt đỏ bao gồm: tái nhiễm với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, hệ thống miễn dịch yếu, tiếp xúc thêm chất gây dị ứng, dị vật rơi vào mắt, vệ sinh kém, mang kính áp tròng, dụi mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt chung với người mắc bệnh, không giặt chăn, vỏ gối, khăn mặt trong thời gian dài…
Tình trạng bệnh kéo dài dễ gây ra biến chứng xấu đến sức khỏe mắt. Do đó, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được khám, điều trị giúp khỏi bệnh sớm.
Người bị đau mắt đỏ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên nhãn khoa thăm khám, kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời, ngăn chặn nguy hiểm cho mắt. Ảnh minh họa: TL
Những câu hỏi liên quan đến bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có khỏi hẳn không?
Đau mắt đỏ nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ khỏi hẳn. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ vẫn có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng. Khi hết đau mắt đỏ, người bệnh cần lưu ý những điều sau để tránh tái nhiễm.
Giặt khăn trải giường, vỏ gối, khăn tắm, khăn lau mặt bằng nước nóng và phơi dưới ánh nắng mặt trời thường xuyên.
Tránh trang điểm mắt cho đến khi mắt hết nhiễm trùng. Hãy vứt bỏ đồ trang điểm cũ hay đã sử dụng trước khi bị đau mắt đỏ.
Đeo kính thay vì kính áp tròng, lau kính thường xuyên.
Bỏ kính áp tròng dùng một lần, làm sạch kính áp tròng và hộp đựng. Rửa tay sạch trước khi tháo hoặc đeo kính áp tròng.
Không sử dụng lại thuốc nhỏ mắt đã sử dụng trong thời gian điều trị đau mắt đỏ.
Hạn chế tới nơi đông người trong mùa dịch đau mắt đỏ.
Không tiếp xúc, cầm nắm các đồ dùng cá nhân của người đang mắc bệnh.
Không dụi mắt và phải vệ sinh tay sạch sẽ thường xuyên.
Bệnh đau mắt đỏ có tái phát không?
Một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần trong đời, bệnh không giới hạn thời gian tái nhiễm. Một trường có thể bị tái nhiễm đau mắt đỏ trong vòng 1 tháng sau khỏi bệnh nếu tiếp tục tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng.
Đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi có nguy hiểm không?
Nếu đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi, kéo dài quá 2 tuần dễ diễn biến thành viêm kết mạc mãn tính cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác ở mắt. Khi thấy tình trạng bệnh kéo dài, áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà không làm các triệu chứng thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng cấp độ nặng.
Cần đến ngay cơ sở y tế chuyên nhãn khoa thăm khám, kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời, ngăn chặn nguy hiểm cho mắt.
Đa phần các trường hợp đau mắt đỏ kéo dài lâu ngày không khỏi đều do bệnh nhân chủ quan, không chăm sóc mắt cẩn thận, tự xử lý y tế tại nhà sai cách. Mắt vốn là bộ phận nhạy cảm nhất cơ thể, mọi tác động lên mắt đều cần phải có sự tham vấn của chuyên gia.
Trường hợp đau mắt đỏ mãi không khỏi cùng với diễn biến sang viêm kết mạc mãn tính, nó có thể tiến triển phức tạp, gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn cho mắt như: Đau mắt hột, rách giác mạc, loét giác mạc và sau cùng có thể khiến người bệnh bị mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy tuyệt đối không được chủ quan với bệnh lý tưởng chừng ít nguy hại này.
Mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất
Dù đau mắt đỏ rất dễ lây nhưng bệnh không phải là bệnh nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ đến trung bình đều tự khỏi mà không cần điều trị. Điều trị bệnh trong trường hợp đau mắt đỏ nghiêm trọng hoặc điều trị để rút ngắn khoảng thời gian mắc bệnh, giảm nguy cơ lây cho người khác.
Do đó, cách giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi là khám và điều trị theo toa thuốc của bác sĩ. Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh để rút ngắn thời gian mắc bệnh. Tương tự với tình trạng đau mắt đỏ do virus và dị ứng, việc điều trị bằng thuốc là cần thiết để nhanh khỏi bệnh.
Ngoài sử dụng thuốc, để giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi, người bệnh cần chăm sóc tại nhà đúng cách, giúp giảm nhanh các triệu chứng và tránh tái nhiễm: ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi mắt hết viêm nhiễm, chườm mát hoặc chườm ấm lên mắt để thấy dễ chịu hơn, không dùng chung khăn mặt hoặc khăn tắm với người khác. Rửa mặt và mí mắt bằng xà phòng dịu nhẹ sau đó rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ các chất gây kích ứng.
Với trường hợp đau mắt đỏ mức độ nhẹ có thể sử nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo không cần kê đơn để giảm ngứa và rát do các chất kích thích.
Lưu ý: các loại thuốc nhỏ mắt khác có thể gây kích ứng mắt nên không tự ý mua về sử dụng. Không dùng thuốc nhỏ mắt chung với mắt không bị viêm nhiễm.
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì?
Bệnh đau mắt đỏ thường không cần kiêng cữ nhiều thực phẩm nhưng một số người mắc bệnh nền khác hoặc nghi ngờ dị ứng, bệnh nền, thừa cân… nên kiêng các thực phẩm sau:
Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: Loại thực phẩm này thường chứa nhiều natri, làm cơ thể dễ mất nước và tăng các triệu chứng khô mắt. Ngoài ra, thức ăn nhiều nhiều dầu mỡ… có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch và tăng tình trạng viêm.
Rau muống: Người bệnh đau mắt đỏ không nên ăn rau muống trong thời kỳ phát bệnh bởi một số thành phần của rau muống có đặc tính kích thích mắt tăng tiết dịch, gỉ mắt. Ghèn nhiều có thể khiến mắt nhiễm trùng nặng, thời gian hồi phục lâu hơn.
Mỡ động vật: Loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, khi hấp thụ vào cơ thể sẽ làm lượng mỡ trong máu tăng cao gây ảnh hưởng không tốt đến mắt đang viêm nhiễm.
Đồ cay nóng: Các thực phẩm chứa gia vị cay nóng như ớt, gừng, tỏi… khiến người bệnh đau mắt tăng cảm giác nóng, ngứa, rát khó chịu ở mắt, khiến bệnh lâu hồi phục hơn.
Thủy, hải sản có mùi tanh: Các loại thực phẩm này có một số chất dễ gây dị ứng vùng da quanh mắt. Do đó, người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng các thực phẩm tanh để tránh tình trạng viêm kết mạc nghiêm trọng hơn và kéo dài thời gian hồi phục.
Đồ uống có đường, có gas: Các loại nước ngọt chứa hàm lượng đường cao, nhiều chất tạo màu, chất bảo quản… gây khó chịu cho mắt, chảy nhiều ghèn và lâu hồi phục.
Rượu bia: Trong thành phần rượu bia chứa cồn nếu lạm dụng sẽ gây kích thích hệ thần kinh thị giác làm suy giảm tầm nhìn.
Biện pháp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
– Người dân thường xuyên rửa tay thường xuyên với nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
– Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
– Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… với người khác.
– Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
– Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
– Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
– Hạn chế các hoạt động ngoài trời như đi bơi, du lịch dã ngoại…
– Khi bị đau mắt đỏ nên nghỉ học, nghỉ làm trong vòng 1 tuần để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh thành dịch.
– Hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, cho mắt được nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn sẽ rất tốt cho quá trình hồi phục.