Khi thấy bé tăng cân, bụ bẫm, chị L. và gia đình đều rất hài lòng, nào ngờ đây chính là mầm mống gây bệnh tiểu đường type 2 ở con trai 5 tuổi của chị.
Tiểu đường là một trong những căn bệnh thường gặp ở lứa tuổi trưởng thành, đặc biệt là người già. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh nguy hiểm này đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hoá, thậm chí đã xuất hiện ở trẻ em gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và tương lai của trẻ.
Sững sờ khi biết con bị tiểu đường vì nguyên nhân không ngờ tới
Khi thấy con trai mình có những biểu hiện không bình thường về sức khoẻ như hay mệt mỏi, không yêu thích chạy nhảy, hiếu động như trước; mọi phát triển đều chậm hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi… chị N.V.L đã đưa con tới bệnh viện thăm khám. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận: cháu T.H.A – con chị L. – đã mắc bệnh tiểu đường type 2. Chỉ số đường huyết glucose và xê-tôn trong máu của cháu bé rất cao. Bác sĩ chỉ định cho cháu nhập viện để điều trị khoảng 3 tuần, sau đó mới có thể về nhà.
Sau khi về nhà, bé A. còn phải uống thuốc mỗi ngày để tăng insulin và ngăn ngừa kháng insulin; đồng thời, cháu cũng phải kiểm tra lượng đường trong máu 1-2 lần mỗi ngày. Thấy con đau đớn, sợ hãi mỗi lần phải thử máu, chị L. và gia đình đều rất xót xa. Bệnh tiểu đường tuýp 2 của bé A. nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng như: mệt mỏi, kiệt sức, cơ thể mất nước nặng, hôn mê và nguy hiểm tới tính mạng.
Khi biết con mình mắc bệnh tiểu đường, chị L. đã rất ngạc nhiên. Chị không ngờ căn bệnh vốn tưởng như chỉ có người lớn tuổi mới mắc, nay lại xuất hiện trên cơ thể đứa con nhỏ bé của mình. Chị xót xa không biết tại sao con lại có thể mắc căn bệnh này, sau khi nghe bác sĩ giải thích, người mẹ này không khỏi sững sờ: nguyên nhân khiến bé A. mắc bệnh tiểu đường chính là chế độ “bồi dưỡng” quá mức của gia đình.
Chị L. ngậm ngùi nhớ lại, do công việc bận rộn, chị phải phó thác việc chăm sóc bé A. cho bà giúp việc. Bà giúp việc là một người cẩn thận và rất yêu trẻ, tuy nhiên, vì tuổi cao và nhận thức có phần hạn chế, bà thường xuyên cho bé A. ăn nhiều hơn nhu cầu và các bữa ăn có quá nhiều chất, không khoa học. Khi thấy bé tăng cân, bụ bẫm, chị L. và gia đình đều rất hài lòng, bởi vậy bà giúp việc đã “cứ thế phát huy”, “nhồi nhét” cho bé A. quá nhiều đồ ăn bổ dưỡng, khiến bé bị thừa cân – béo phì. Thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại này lại chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tiểu đường type 2 của bé.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ
Theo ghi nhận của các bệnh viện, những năm gần đây, số lượng trẻ em mắc bệnh tiểu đường đã tăng cao gấp 3-4 lần so với trước. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ các dấu hiệu nhận biết căn bệnh này ở trẻ để kịp thời đưa con đi thăm khám và điều trị. Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, trẻ thường có các biểu hiện sau:
Hay khát nước, uống nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Ăn nhiều nhưng vẫn đói và sụt cân trong thời gian ngắn.
Trẻ không thích chơi đùa, kém vận động, hay mệt mỏi
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường ở trẻ em
Ở lứa tuổi đang phát triển, việc bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thói quen cho trẻ ăn quá nhiều, các bữa ăn quá bổ dưỡng và không khoa học sẽ dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì và dễ gây ra bệnh tiểu đường ở trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: bệnh lý về tim mạch, tổn thương thần kinh, giảm thị lực, suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng…
Lứa tuổi thường gặp nhất ở trẻ mắc bệnh tiểu đường là từ 5 – 7 tuổi và tuổi dậy thì: từ 11 – 13 tuổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp, bệnh tiểu đường được phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.
Phòng tránh bệnh tiểu đường ở trẻ
Cách tốt nhất để phòng bệnh tiểu đường ở trẻ là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường cho trẻ vận động.
Chế độ ăn lành mạnh cần hạn chế các loại đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước có gas, kem, nước mía, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô… Ngoài ra, cần hạn chế cho trẻ ăn mỡ động vật và các thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích… Khi trẻ ăn nhiều bánh kẹo thì thường không ăn cơm, dẫn tới tình trạng lượng đường tăng nhưng các chất khác lại thiếu hụt.
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa. Việc này sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng cao.
Cũng theo các chuyên gia, chất xơ chính là chìa khoá ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vì vậy, chế độ ăn hợp lý cần giàu chất xơ, nhiều rau xanh như: ngũ cốc nguyên hạt, bắp cải, rau cần, rau bí… và các loại quả chín ít ngọt như cam, táo, lê, thanh long…
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ cũng cần được kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kì sau mỗi 6 tháng. Đồng thời, cần tập cho trẻ thói quen vận động hoặc hướng cho trẻ yêu thích một môn thể thao nào đó.