GiadinhNet – Do đeo kính sai số quá cao trong một thời gian dài, đến khi xác định đúng thị lực, giảm độ mắt kính thì trẻ lại không đạt được thị lực tối đa.
Thấy con nhìn xa không tốt, đầu năm nay, bố mẹ bé Thế Anh (10 tuổi, Hà Nội) cho con đi đo mắt kính ở hàng kính thuốc gần nhà vì “đến viện sợ đông và ngại dịch bệnh”. Sau khi con trai được đo khúc xạ, nghe nhân viên cửa hàng thông báo con cận 3 độ, bố mẹ bé liền mua kính cận đúng số đo này.
Đeo được một thời gian, nhất là suốt gần 1 năm học trực tuyến, bé hay bị nhức, thường dụi và chớp mắt, bố mẹ bé đưa con tới bệnh viện chuyên khoa mắt khám. Sau khi thực hiện bước kiểm tra bằng cách nhỏ thuốc liệt điều tiết tới 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút và kiểm tra khúc xạ sau liệt, bác sĩ thông báo bé đeo kính quá cao so với thị lực thật (bé cận hơn 1 độ nhưng đeo kính 3 độ).
Điều đáng nói là, do đeo kính sai số quá cao trong một thời gian dài, đến khi xác định đúng thị lực, giảm độ mắt kính thì trẻ lại không đạt được thị lực tối đa do đã quen với kính cao độ.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết tâm lý ngại đến viện hoặc trung tâm có bác sĩ chuyên môn và kỹ thuật đánh giá chính xác tình trạng sức khoẻ của mắt là phổ biến.
“Nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế khảo sát tại Phú Thọ, Đà Nẵng, TP HCM, cho thấy 95% cửa hàng kính ở các tỉnh/thành này có máy đo khúc xạ tự động nhưng nhân viên kỹ thuật đo hay ra chỉ định cắt kính lại không được đào tạo chuyên môn. Họ chỉ dựa vào kết quả của máy đo rồi cắt kính cho người dân” – TS Đức Anh thông tin và cho biết tình trạng này ở Hà Nội cũng không hiếm khi các cửa hàng kính “tự đào tạo” kỹ thuật đo cho nhân viên.
“Kết quả là các cửa hàng này “cho ra” một cặp kính sai đủ thứ: Sai về độ, về gọng… Kính non độ quá thì trẻ không đạt được thị lực tối đa. Nếu kính quá độ thì khiến mắt điều tiết quá mức, làm cho trẻ khó chiu, không đeo kính nữa. Còn nếu đeo lâu dài, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng thị lực mà còn bị tác động tâm lý, thần kinh” – PGS.TS Nguyễn Đức Anh phân tích.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh kiểm tra mắt cho bệnh nhân là trẻ em ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Vị bác sĩ đặc biệt khuyến cáo để con có cặp kính chính xác, cha mẹ cần lựa chọn cơ sở kính thuốc đủ chuyên môn, trang thiết bị. Theo ông, máy đo khúc xạ tự động là công cụ hỗ trợ việc đo thị lực chứ không phải yếu tố quyết định. Trong nhiều trường hợp, máy đo sẽ “đánh lừa” người khám nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn. Nhiều cháu bé có độ cận thị nhẹ nhưng khi ngồi vào máy đo lại cho ra chỉ số cao hơn nhiều. Lý do là trong khi chờ đợi khám và đo khúc xạ, trẻ “tranh thủ” xem điện thoại, chơi điện tử khiến điều tiết của mắt tăng cao.
Ngoài ra, lựa chọn gọng kính cho trẻ cũng phải phù hợp. BS Đức Anh cho hay thực tế ông từng khám cho không ít trẻ đeo cặp kính to chiếm nửa mặt, vừa ảnh hưởng thẩm mỹ vừa tác động tới chất lượng của kính. Nếu mắt kính quá to so với gương mặt, tâm kính sẽ không đúng. Thậm chí, còn có những gia đình vì không mua được gọng kính phù hợp với con, đành cho con đeo chiếc kính có càng vươn dài ra phía sau đầu, thay vì bám chắc vào tai.
Theo TS Đức Anh, việc khám, lựa chọn kính cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, đòi hỏi người có trình độ, chuyên môn. Không chỉ bán kính mà phải tư vấn cách vệ sinh, cách đeo, tháo kính. Theo đó, tháo kính đúng chuẩn cần cầm 2 bên gọng, nếu trẻ chỉ cầm 1 bên giật ra thì chỉ vài lần là gọng kính bị vênh, lệch tâm kính ngay… Những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến chất lượng kính mắt từ đó ảnh hưởng tới thị lực.
Theo nghiên cứu của Ian Morgan, trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) tiến hành năm 2015, khoảng 50% dân số châu Á mắc tật khúc xạ. Trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện thị giác Brien Holden (BHVI), đến năm 2050, trên toàn thế giới, cứ 2 người thì có 1 người bị cận thị.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 10-15% trẻ em ở độ tuổi 6- 5 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20- 40%.
3 triệu trẻ em Việt cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.
GiadinhNet – Ước tính tại Việt Nam, tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 15-40%, xấp xỉ khoảng 14-36 triệu người. Riêng đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn.