GĐXH – Ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ bệnh nhân tâm thần tại công cộng, đề phòng tránh những sự việc thương tâm có thể xảy ra.
Nhiều vụ việc đau lòng do bệnh nhân tâm thần gây ra
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra một số vụ án mạng thương tâm do người mắc bệnh tâm thần gây ra, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho cộng đồng.
Cụ thể, thống kê từ cơ quan chức năng, cách đây hơn 2 năm, tại xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra vụ án mạng do hung thủ là H. Đ. C (51 tuổi) trú tại thôn Bản Tý, xã Thanh Mai gây ra.
Thời điểm đó, cháu bé 5 tuổi (cùng thôn) đang chơi ngoài sân thì bị C tấn công dẫn đến tử vong. Đối tượng là người có tiền sử mắc bệnh tâm thần phân liệt, trước khi gây án, C đã có những biểu hiện như không chịu uống thuốc, đau đầu, khó ngủ và có những hành vi bất thường.
Từ vụ việc trên, người dân xã Thanh Mai mong rằng, cơ quan Y tế và chính quyền xã cùng quan tâm, giúp đỡ, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần để họ có được sức khỏe ổn định, người dân đi lại được an toàn, không còn lo sợ.
Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện nay, các cơ sở Y tế trên toàn tỉnh Bắc Kạn đang quản lý, điều trị ổn định cho hơn 1.300 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh; duy trì quản lý điều trị hơn 360 bệnh nhân trầm cảm. Thời gian qua, ngành Y tế đã thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về bệnh tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho thư ký chương trình tuyến huyện và các cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về sức khỏe tâm thần, tránh phân biệt đối xử, coi thường và miệt thị người bệnh. Triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện bệnh nhân mới, quản lý và chăm sóc bệnh nhân cũ, lồng ghép chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các “Chương trình mục tiêu quốc gia” khác.
Điều này, góp phần lớn trong việc giảm gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, giúp cho người bệnh mau bình phục, tái hòa nhập với cộng đồng.
Sở Y tế Bắc Kạn phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại Bắc Kạn”.
Cũng như các bệnh khác, việc phát hiện bệnh nhân tâm thần đóng vai trò quyết định kết quả điều trị bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh không những khó điều trị mà có khi không thể điều trị khỏi được. Vì vậy, các cơ sở Y tế luôn chú trọng phát hiện sớm để tư vấn, điều trị kịp thời, hiệu quả cho người bệnh, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Còn nhiều khó khăn về quản lý bệnh nhân tâm thần
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, đơn vị đang quản lý giám sát, điều trị hơn 200 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại cộng đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện chưa phát hiện bệnh nhân tâm thần phân liệt mới.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Đại – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới cho biết: “Hiện tại trung tâm đã lập hồ sơ bệnh án, chỉ định thuốc điều trị cho bệnh nhân theo đúng quy định. Hằng tháng, bệnh nhân được thăm khám và chỉ định các xét nghiệm. Trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần, các cơ quan chuyên môn Y tế trên địa bàn huyện đã nhận được sự phối hợp tốt từ gia đình người bệnh và chính quyền địa phương”.
Mặc dù, đã đạt được những thành công nhất định, song công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng hiện chủ yếu quản lý và điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh, trầm cảm. Đối với các thể bệnh khác chưa được quan tâm nhiều, đặc biệt là hiện nay, nhiều người mắc rối loạn tâm thần do nghiện rượu, nghiện game,… để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Trao đổi với phóng viên, BSCKI Vi Duy Tuyến – Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hiện sức khoẻ tâm thần là một trong những vấn đề cần được xã hội quan tâm chăm sóc, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tiến triển mạn tính, người bệnh thường gặp chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Do đó, việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân là một trong những vấn đề trọng tâm, thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục quan tâm triển khai.
Để quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần ở cộng đồng, khi phát hiện có biểu hiện tâm lý bất thường, người bệnh cần được đưa tới cơ sở Y tế để khám và điều trị sớm. Nếu phát hiện đã mắc bệnh, được lập hồ sơ bệnh án, người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân tâm thần, họ rất cần một liệu pháp tâm lý, cần nhận được sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia nhiều hơn từ phía gia đình và cộng đồng”.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chống viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh từ những loại thực phẩm này