Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chứng minh sự phổ biến đáng kinh ngạc của một loại vi khuẩn kháng thuốc trong thực phẩm ăn liền bao gồm ngũ cốc, salad, sushi, sốt thịt, snacks, kem…
Công trình trên được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm trọng điểm NHC về Đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm quốc gia ở Bắc Kinh – Trung Quốc. Điều này đã cho thấy một thách thức mới đối với sức khỏe.
Những món ăn liền trong siêu thị, từ sốt thịt, sushi cho đến các que kem, bánh snacks có thể tiềm ẩn vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm – Ảnh minh họa từ Internet
Vi khuẩn nguy hiểm họ tìm thấy là các chủng tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) kháng thuốc, gây ra một loạt tình trạng nguy hiểm từ ngộ độc cho đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, bao gồm các bệnh cảnh đe dọa tính mạng như hội chứng sốc nhiễm độc.
Tụ cầu vàng gần đây ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của nhiều chủng độc lực cao, khả năng kháng kháng sinh cao, tức vô hiệu hóa các biện pháp điều trị mà bác sĩ có trong tay.
Thông thường, rửa tay và giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm là các biện pháp phổ biến được khuyến nghị để chống lại tụ cầu vàng và nhiều vi khuẩn khác.
Tuy nhiên trong nghiên cứu mới, vi khuẩn này lại xuất hiện một cách đáng ngại ngay trong các loại thực phẩm ăn liền – vốn không thể xử lý trước khi ăn, ví dụ những gói snacks hay kem.
Theo News-Medical, nhóm nghiên cứu đã thu thập nhiều loại thực phẩm ăn liền từ các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, siêu thị, chợ, quầy tạp hóa… trên 25 tỉnh, thành của Trung Quốc và phân lập tụ cầu vàng từ tất cả các mẫu.
Các mẫu có tụ cầu vàng tiếp tục được kiểm tra độ nhạy cảm với 13 loại thuốc chống lại vi khuẩn thường sử dụng.
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí Zoonoses cho thấy có 276 chủng tụ cầu vàng được nuôi cấy từ các loại thực phẩm ăn liền mà nhóm nghiên cứu thu thập, bao gồm các sản phẩm ngũ cốc, salad, sushi, sashimi, sốt thịt, snacks, kem, các loại đồ ăn nhẹ khác…
Đáng lo hơn, 90% các chủng được phân lập biểu hiện khả năng đề kháng với ít nhất 1 loại kháng sinh. Tỉ lệ kháng thuốc cao nhất được quan sát thấy đối với penicillin và erythromycin, lần lượt là 87% và 38,4%.
Trong đó, 73 chủng kháng từ 3 loại kháng sinh trở lên, trong đó có 13 chủng kháng tới 5 loại kháng sinh khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định riêng 30 chủng MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin) và 18 chủng có 9 gien độc lực. Hơn 50% chủng MRSA cũng có nhiều gien độc lực, tức những thứ có thể gây ra bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Theo các tác giả, phát hiện này cho thấy một thách thức mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cũng như cung cấp thêm dữ liệu để các cơ quan liên quan có các biện pháp an toàn trong vấn đề quản lý thực phẩm cũng như đối đầu với “đại dịch” kháng kháng sinh.