Ung thư tuyến tụy được mệnh danh là ung thư tử thần, khó phát hiện sớm. Vậy thông thường bệnh nhân ung thư tuyến tụy sống được bao lâu kể từ khi được chẩn đoán?
Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết (gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào “acinar”, tế bào mầm, …) trong đó khoảng 85% là xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết; còn lại ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỷ lệ mắc (458.918 ca mắc/năm), tuy nhiên ung thư tụy lại đứng hàng thứ 7 về tỷ lệ tử vong do ung thư (432.242 ca tử vong/năm).
Theo BS Lê Công Định, khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9,3%. Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn. Tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa.
Mắc ung thư tuyến tụy sống được bao lâu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được chẩn đoán, phương pháp điều trị, sức khỏe chung của người bệnh…
Khi phát hiện ung thư tụy, bệnh nhân thường đã ở giai đoạn 3, giai đoạn 4. Tỷ lệ sống sót 8,5% cũng đã là con số nhiều.
Thông thường, bệnh nhân mắc ung thư tụy và đã có triệu chứng lâm sàng khi đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) thì tỷ lệ tử vong khoảng 95% trong những năm đầu tiên, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ 5%. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, cắt rất nhiều cơ quan ở trong ổ bụng khiến chất lượng sống rất kém.
Theo Hiệp Hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các giai đoạn của ung thư tuyến tụy là 9%. Tỷ lệ này đối với ung thư tuyến tụy khu trú là 34%. Ung thư tuyến tụy khu trú là các giai đoạn 0, 1 và 2.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư tuyến tụy khi đã di căn đến các cấu trúc lân cận hoặc các hạch bạch huyết là 12%. Giai đoạn 2B và 3 thuộc loại này.
Ung thư tuyến tụy ở xa, hoặc ung thư giai đoạn 4 đã di căn đến các vị trí khác như phổi, gan hoặc xương, có tỷ lệ sống sót là 3%.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy
Theo Healthline, chẩn đoán sớm làm tăng đáng kể cơ hội hồi phục. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào không thuyên giảm hoặc tái phát thường xuyên.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Họ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm để kiểm tra ung thư tuyến tụy, chẳng hạn như:
– Chụp CT hoặc MRI để có được hình ảnh chi tiết và đầy đủ về tuyến tụy của bạn.
– Siêu âm nội soi, trong đó một ống mềm, mỏng có gắn camera được đưa xuống dạ dày để thu được hình ảnh của tuyến tụy.
– Sinh thiết tuyến tụy.
– Xét nghiệm máu để phát hiện xem có chất chỉ điểm khối u CA 19-9 hay không, có thể chỉ ra ung thư tuyến tụy.
Dấu hiệu ung thư tụy
Theo TS.BS Đào Văn Tú, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh cũng như vị trí ung thư ở đầu tụy, thân tụy hay đuôi tụy. Ung thư tụy nằm ở vùng đầu tụy thường có các triệu chứng: vàng da, đi ngoài phân lỏng, gây sút cân.
Một nghiên cứu trên 185 bệnh nhân ung thư tụy (62% ung thư vùng đầu tụy, 10% ung thư thận tụy, 6% ung thư đuôi tụy, còn lại không xác định vị trí) đã chỉ ra mức độ thường gặp của các triệu chứng như sau:
– Gầy sút cân, suy nhược 85%
– Chán ăn 83%
– Đau bụng 79%
– Nước tiểu sẫm màu 59%
– Vàng da 56%
– Buồn nôn, nôn 51%
– Đau lưng 49%
– Tiêu chảy 44%
– Gan to 39%
– Đi ngoài phân lẫn mỡ 25%
– Khối u ổ bụng 15%
– Cổ trướng 5%
– Huyết khối tĩnh mạch 3%.
Ở giai đoạn muộn của bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của tổn thương di căn. Ung thư tụy thường hay di căn gan, phúc mạc, phổi và một tỷ lệ thấp hơn di căn xương. Các triệu chứng như: khối u ở bụng, dịch cổ trướng, hạch Virshow (hạch thượng đòn trái), hạch Sister Mary Joseph (sờ thấy khối quanh rốn).