Không ít người cho rằng tiểu đường thường chỉ xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi. Thực chất, đây là quan niệm sai lầm.
Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa rất phổ biến và đang trẻ hóa nhanh do lối sống và môi trường hiện đại. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ người già đến người trẻ, thậm chí là trẻ sơ sinh.
Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Mỹ (ADA), tiểu đường được chia thành 4 loại: tuýp 1, tuýp 2, tiểu đường thứ phát và tiểu đường thai kỳ. Trong đó, tiểu đường phổ biến nhất ở thanh thiếu niên là tiểu đường tuýp 1.
Mặc dù y học ngày càng phát triển nhưng việc điều trị tiểu đường tuýp 1 vẫn chưa có nhiều bước tiến khả quan. Lý do là vì người trẻ chủ quan và thiếu hiểu biết về tiểu đường, dẫn tới bệnh thường được phát hiện muộn, gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Để tránh tình trạng này, hy vọng bản thân thanh thiếu niên và phụ huynh đừng xem nhẹ 4 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường sau đây:
1. Thường xuyên đói
Thiếu insulin sẽ khiến glucose tích tụ trong máu, thay vì đi vào các tế bào. Do vậy, kể cả khi đã ăn, người mắc tiểu đường tuýp 1 vẫn sẽ bị đói do các tế bào thiếu lượng năng lượng cần để hoạt động.
Tuy nhiên, với các thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì, triệu chứng này thường bị hiểu lầm là nhu cầu thức ăn tăng do tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần chú ý quan sát để tránh bỏ lỡ cơ hội phát hiện bệnh sớm và can thiệp có hiệu quả.
2. Ăn nhiều nhưng vẫn gầy đi
Mặc dù luôn thèm ăn và ăn nhiều hơn nhưng bệnh nhân tiểu đường lại thường bị sụt giảm cân nặng, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh.
Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy, muốn có năng lượng phải thông qua insuline để hấp thụ glusose. Nhưng tiểu đường khiến cơ thể thiếu insulin hoặc kháng insulin, làm quá trình này không thể diễn ra hoặc bị trục trặc.
Lúc này, cơ thể buộc phải phân hủy một lượng lớn chất béo và chất đạm để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các hoạt động hàng ngày. Đồng thời, thiếu insulin cũng dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, trong khi nhu cầu lại tăng lên, dẫn đến dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh chóng.
3. Đi tiểu thường xuyên
Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân sẽ không thể tránh được tình trạng thường xuyên đi tiểu và lượng nước tiểu mỗi lần nhiều hơn.
Nguyên nhân là do khi đường huyết quá cao, glucose trong máu tích tụ quá nhiều dẫn đến thận phải làm việc liên tục để đào thải, dẫn đến tăng lượng nước tiểu và số lần đi tiểu, nhất là ban đêm.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bạn đi tiểu trên 6 lần 1 ngày thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để sớm phát hiện và điều trị tiểu đường.
4. Liên tục khát nước
Tiểu đường tuýp 1 gây ra tình trạng thiếu nước trong cơ thể. Cụ thể, do lượng đường trong máu vượt quá giới hạn, áp suất thẩm thấu huyết tương cũng sẽ tăng lên, đồng thời nước ở các mô xung quanh mạch máu sẽ bị hấp thụ tạo thành triệu chứng ưu trương, hay còn gọi là mất nước do tăng độ thẩm thấu máu.
Bên cạnh đó, việc đi tiểu thường xuyên khiến bạn phải liên tục bổ sung nước. Đây là 1 vòng luẩn quẩn giữa việc bài tiết và cung cấp nước xảy ra ở bệnh nhân mắc tiểu đường nói chung, nhất là ban đêm. Nên nếu bạn phải thức dậy trên 2 lần mỗi đêm để uống nước thì hãy cẩn trọng với bệnh tiểu đường.
5. Mệt mỏi kết hợp với đau đầu hoặc giảm thị lực
Khi bị tiểu đường tuýp 1, cơ thể bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi hơn, ngay cả sau khi đã ăn no. Vì cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose để cung cấp năng lượng, nhưng tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Trong khi đó, tiểu đường khiến bạn không tạo ra đủ insulin hoặc kháng insulin, dẫn đến bạn luôn trong trạng thái vừa mệt vừa đói, kết hợp với đau đầu hoặc giảm thị lực.
Nguyên nhân là lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể của mắt bị sưng, làm thay đổi khả năng nhìn, dễ dẫn đến biến chứng về mắt. Còn đau nhức đầu do tiểu đường là xuất phát từ những sự thay đổi lượng đường trong máu. Càng nhiều biến động mức đường huyết thì người bị tiểu đường sẽ càng bị đau đầu nhiều.
Đau đầu liên quan đến những biến động đường huyết này được cho là kết quả từ việc thay đổi các mức hormone, chẳng hạn như epinephrine và norepinephrine, có thể làm co mạch máu trong não, y học gọi là co mạch.