Vào mùa đông, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng lên rõ rệt, đặc biệt ở người có bệnh tăng huyết áp. Bệnh nhân tiếp xúc đột ngột với lạnh có thể co mạch gây chảy máu hoặc nhồi máu não.
Đột quỵ khi đi vệ sinh sáng sớm
Ông N.Q.V (67 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) được con cháu đưa vào viện cấp cứu, biểu hiện liệt nửa người, nói khó. Trước đó, người nhà phát hiện ông nằm bất động trước cửa nhà vệ sinh.
Bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, mắc bệnh mạch vành nhưng không sử dụng thuốc đều đặn. Bác sĩ đã kê thuốc tiêu sợi huyết, ông V. đang hồi phục.
Theo các nghiên cứu, khi nhiệt độ giảm 5 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng lên 7%. Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 6 bệnh nhân bị đột quỵ, những ngày lạnh sâu.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Ân – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đột quỵ là vấn đề nóng về y tế của toàn cầu và Việt Nam. Bệnh là hậu quả của nhiều bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý van tim, bệnh lý chuyển hóa đặc biệt là tăng mỡ máu. Ngoài ra, stress trong cuộc sống, công việc cũng có thể gây đột quỵ. Những thay đổi đột ngột của thời tiết nhất là lạnh cực đoan làm gia tăng số ca mắc. Với những người có bệnh lý nền, nguy cơ này càng cao.
Nguyên nhân chính là khi gặp lạnh, cơ thể sinh ra phản xạ tự bảo vệ và co mạch, giữ ấm cho cơ thể. Ở người có bệnh lý nền, mức độ đàn hồi của mạch máu giảm, áp lực trong lòng mạch tăng lên khiến huyết áp tăng cao gây vỡ mạch máu não, xuất huyết não.
Theo bác sĩ Ân, mọi triệu chứng của đột quỵ đều xuất hiện đột ngột như tê chân, tay một bên, méo miệng, nói khó, nhìn mờ. Một số người có biểu hiện chóng mặt, đau đầu.
Bệnh nhân đột quỵ phải được cấp cứu kịp thời vì não bộ cần cung cấp oxy trở lại. Nếu chậm, vùng não sẽ chết, người bệnh có thể tử vong. Thời gian vàng cấp cứu là 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Người nhà cần đưa bệnh nhân tới cơ sở uy tín, không nên qua cơ sở y tế chưa có chuyên môn điều trị đột quỵ, trì hoãn thời gian cấp cứu. Bệnh nhân có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối cơ học.
Bác sĩ Ân khuyến cáo không nên cho người bệnh ăn, uống gây sặc phổi. Người đột quỵ huyết áp tăng cao cũng không nên chờ uống thuốc hạ huyết áp mới vào viện, lãng phí thời gian vàng.
Ba cách phòng đột quỵ
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, tỷ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa, có những người mới 40 tuổi đã qua đời do đột quỵ. Nguyên nhân do tăng huyết áp không được điều trị hoặc không biết mình mắc, ít vận động, căng thẳng trong công việc. Vì vậy, bác sĩ Hoàng khuyến cáo cộng đồng 3 biện pháp dự phòng đột quỵ cần ghi nhớ:
Thứ nhất, những người trên 40 tuổi cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Theo bác sĩ Hoàng, việc khám sức khỏe giúp phát hiện tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Đây là hai chỉ số quan trọng hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.
Thứ hai, nếu bạn hay đau đầu không rõ lý do nên đi khám, có thể chụp CT và MRI não nhằm phát hiện sớm bất thường dị dạng mạch máu não hay phình mạch máu não.
Thứ ba, mọi người cần duy trì tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng quá mức, không hút thuốc lá, thuốc lào. Tập thói quen không ăn mặn, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
Ngoài ra, về mùa đông, bác sĩ Hoàng cho rằng vào buổi sáng, khi ngủ dậy, tốt nhất nên từ từ mở chăn, lấy thêm áo, khăn giữ ấm rồi xuống giường. Người già có bệnh tăng huyết áp, không nên tiếp xúc với trời lạnh đột ngột. Thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)